Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2017

14 DẤU HIỆU BẠN YÊU THÍCH CÔNG VIỆC CỦA MÌNH

Bạn luôn muốn đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc của họ vì bạn tin rằng mỗi người đều đóng một vai trò nhất định giúp phòng/ban và công ty đạt được mục tiêu đề ra. Để đạt được điều này bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ mà không suy nghĩ.


Bạn có đam mê công việc hiện tại của mình? Phải thừa nhận rằng ngay cả khi đang làm công việc mà mình đam mê, vẫn có những ngày chúng ta không muốn rời khỏi nhà để đến chỗ làm.
Theo Dharmesh Shah, Giám đốc công nghệ và Nhà sáng lập của Hubspot (công ty công nghệ hàng đầu thế giới) đồng thời là một trong những người có sức ảnh hưởng trên LinkedIn (với hơn 300 ngàn người theo dõi), ông liệt kê 14 dấu hiệu qua đó giúp bạn đánh giá mức độ yêu thích đối với công việc hiện tại.
Hãy đếm xem bao nhiêu câu dưới đây mô tả đúng về bạn và công việc của bạn nhé.
1. Bạn không nói về con người; bạn nói về những thành tích, công việc mà họ đã/đang thực hiện 
Khi bạn yêu thích công việc của mình, bạn không “tám” về thất bại của người khác hay quan tâm đến cuộc sống cá nhân của họ.
Thay vào đó, bạn thích thảo luận về những kế hoạch, dự án mới của đồng nghiệp để từ đó có thể học hỏi và phát triển công việc của mình. Ví dụ như “Nghe nói Oanh đang có một dự án mới. Đó là dự án gì nhỉ?” “Chị rất muốn biết làm thế nào mà Hoàng có thể thuyết phục được khách hàng khó tính đó.” “Phòng Sales đang phát triển kênh bán hàng mới, chúng ta có thể tận dụng kênh bán hàng đó không?”
2. Bạn nghĩ “Tôi hy vọng mình có thể…” thay vì “Tôi mong là mình không phải…”Khi yêu thích công việc, bạn muốn được tận dụng và chứng tỏ năng lực bản thân. Vì vậy, khi có dự án mới, bạn luôn chia sẻ với sếp/đồng nghiệp: “Tôi/Em muốn tham gia vì đây là cơ hội để em mở rộng chuyên môn và phát triển kỹ năng…”. Trái lại, một người không còn hứng thú với công việc sẽ luôn tìm lý do để trốn tránh.
Có thể hình dung điều này tương tự như hành động bóc vỏ củ hành tây. Bóc xong một lớp vỏ, bạn lại thấy một lớp mới xuất hiện. Tương tự, nếu bạn yêu thích công việc của mình, bạn sẽ luôn tìm thấy những thử thách và điều mới mẻ để khám phá và học hỏi. Còn nếu bạn ghét công việc mình đang làm, bạn chỉ toàn thấy nước mắt.
3. Bạn xem khách hàng là những người mà mình cần phải giúp đỡ 
Bạn không xem họ như những chỉ tiêu doanh số cần phải đạt được. Bạn xem họ như những con người thực sự đang có nhu cầu. Bạn hiểu được rằng mình cần phải và có lý do để đáp ứng nhu cầu của họ với sản phẩm/dịch vụ của mình.
4. Bạn tận hưởng thời gian làm việc ở công sở
Bạn không phải gồng mình hết sức ở công ty và rồi mong muốn nhanh chóng thoát khỏi đó để trở về với cuộc sống riêng của mình. Bạn cảm thấy mình có thể tận hưởng cuộc sống tại nơi làm việc. Vì khi bạn yêu công việc của mình, nó trở thành một phần cuộc sống của bạn. Bạn cảm thấy thoải mái và thích thú ở văn phòng làm việc như ở nhà.
5. Bạn khuyến khích bạn bè ứng tuyển làm việc tại công ty
Khi bạn bè hỏi thăm về công việc, bạn thường kể cho họ nghe những điều tốt đẹp khi làm việc tại công ty: môi trường làm việc, đồng nghiệp tốt, những chính sách, ưu đãi dành cho nhân viên,…đồng thời khuyến khích họ ứng tuyển vào.
6. Bạn thích tham dự các cuộc họp
Bạn luôn muốn tham gia các cuộc thảo luận, những buổi “brainstorm” để đưa ra những giải pháp, ý tưởng mới, những quyết định giúp thực hiện mục tiêu của phòng/ban hay lớn hơn của cả công ty. Đơn giản là khi bạn yêu thích công việc của mình, bạn muốn trở thành một phần đóng góp cho công ty.
7. Bạn luôn nghĩ về việc chiến thắng
Khi gặp thử thách mới hay khó khăn trong công việc, bạn không trốn tránh hay “đá banh” cho người khác. Bạn chủ động tiếp cận nếu điều đó thuộc trách nhiệm công việc của mình hay bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp vượt qua khó khăn. Bạn không lo nhiều về việc mất việc. Bạn lo lắng hơn về việc không đạt được mục tiêu.
8. Bạn xem sếp/cấp trên là người mà mình làm việc cùng không phải là người mà mình phải phục tùng
Bản cảm thấy mình có những giá trị nhất định và được sếp/cấp trên tôn trọng và tin tưởng.

9. Bạn luôn làm các đồng nghiệp hài lòng về bạn

Không phải bởi vì bạn không bị sẽ gặp rắc rối trong công việc hay đồng nghiệp đánh giá tốt trong những lần đánh giá cuối năm của công ty, mà bởi vì bạn ngưỡng mộ và tôn trọng họ. Đồng thời bạn hy vọng họ cũng tôn trọng và đánh giá cao bạn.
10. Bạn ít khi nhìn đồng hồ khi làm việc
Vì bạn quá bận rộn với công việc và tập trung hết sức để làm tốt nhiệm vụ của mình. Nếu có nhìn, bạn luôn cảm thấy thời gian sao trôi nhanh quá.
11. Bạn xem thành công trong công việc là sự hoàn thành và sự công nhận từ đồng nghiệp và cấp trên – không phải thông qua việc thăng tiến và tiền thưởng. 
Ai cũng muốn thăng tiến và ai cũng muốn kiếm nhiều tiền hơn. Bạn cũng không ngoại lệ nhưng công việc bạn đang làm có ý nghĩa hơn rất nhiều so với một khoản tiền lương nhận được. Và nếu bạn rời bỏ công việc này để đến với một việc làm mới với mức lương cao hơn, bạn sẽ nhớ về nó rất nhiều.
12. Bạn rời khỏi văn phòng với danh sách những việc mà bạn rất háo hức thực hiện vào ngày mai 
Nhiều người thường hoàn tất hết những việc mà họ thích làm trong ngày làm việc. Còn bạn, danh sách những ý tưởng, sáng kiến mới, dự án phụ mà bạn mong muốn thực hiện liên tục phát triển từ ngày này qua ngày khác. Chính vì vậy luôn có những việc mà bạn rất háo hức thực hiện vào sáng ngày hôm sau. Đó cũng là một trong những động lực giúp bạn đến văn phòng mỗi ngày với thái độ lạc quan.
13. Bạn luôn sẵn lòng giúp đỡ đồng nghiệp 
Bạn luôn muốn đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc của họ vì bạn tin rằng mỗi người đều đóng một vai trò nhất định giúp phòng/ban và công ty đạt được mục tiêu đề ra. Để đạt được điều này bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ mà không suy nghĩ.
14. Bạn không hề nghĩ đến việc nghỉ hưu….vì bạn nghĩ rằng sẽ rất buồn chán nếu không thể tiếp tục công việc mà mình yêu thích
…và còn nhiều việc bạn phải hoàn thành.
Nếu số câu nói trên đây mô tả đúng với bạn và công việc hiện tại của bạn là:
0-3: Có lẽ bạn nên tìm một việc làm mới. Đừng lãng phí cuộc sống với công việc mà bạn không yêu thích.
4-6: Bạn không ghét nhưng cũng không thích công việc hiện tại. Bạn nên cân nhắc xem mình có thể làm điều gì để thay đổi tình hình.
7-10: Bạn thực sự yêu thích công việc của mình và những người làm việc với bạn.
11-14: Bạn rất rất rất đam mê công việc hiện tại (đến nỗi mọi người phải ghen tỵ với bạn)

10 LỜI KHUYÊN NGHỀ NGHIỆP

8. "Đừng quá chuyên tâm vào duy nhất một lĩnh vực - hãy học hỏi thêm những lĩnh vực khác bởi vì một người có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thường thăng tiến nhanh hơn những người có nhiều kinh nghiệm." - Vikrant Vaidya


Hẳn bạn đã quen thuộc với những lời khuyên về nghề nghiệp mà mọi người vẫn thường sử dụng như: Hãy làm công việc mà bạn đam mê. Không ngừng theo đuổi mục tiêu. Luôn cố gắng hết sức,…
Mới đây, trên Quora.com (trang web hỏi & đáp hàng đầu thế giới. Người dùng có thể đặt bất kỳ câu hỏi và các chuyên gia trong lĩnh vực liên quan sẽ trả lời) một câu hỏi được đặt ra có nội dung như sau “Những lời khuyên về nghề nghiệp mà chưa từng ai nhắc tới là gì?”. Có rất nhiều câu trả lời khá thú vị mà có thể bạn chưa bao giờ nghe trước đó. Dưới đây là 10 trả lời hay nhất.   
1. "Khi bắt đầu một việc làm mới, hãy đồng ý với những lời mời ăn trưa hoặc uống café đầu tiên từ các đồng nghiệp mới. Nếu bạn từ chối họ ngay từ những lần đầu tiên, dù bất cứ lý do nào, họ sẽ hạn chế tạo cơ hội kết nối với bạn và bạn sẽ sớm nhận ra mình trở thành người ngoài cuộc.” - Laura Cooke
2. "Đừng tỏ vẻ trông rất bận rộn. Tôi đã từng chứng kiến những nhân viên thông minh và tận tụy nhưng không được thăng tiến vì họ dành quá nhiều thời gian cho công việc và lúc nào cũng trông rất bận rộn. Nếu bạn luôn xuất hiện với vẻ ngoài căng thẳng và mệt mỏi, mọi người sẽ nghĩ rằng bạn chưa chuẩn bị để đảm nhiệm thêm những chức vụ mới và dĩ nhiên bỏ lỡ cơ hội thăng tiến với những dự án mới." - Mira Zaslove
3. "Giúp người khác ngay cả khi điều này không mang lại lợi ích gì cho bản thân. Chỉ tốn rất ít thời gian và công sức để trả lời một thắc mắc nào đó, mở cửa giúp đồng nghiệp hoặc mang tài liệu ở máy in đến người kế bên,…. Những hành động tuy nhỏ nhưng tuyệt vời này có thể không mang lại lợi ích cho bạn ngay lập tức nhưng sẽ được đền đáp xứng đáng trong tương lai khi bạn ít ngờ nhất.” - Scott Wainner
4. "Khi bạn muốn phát triển một kỹ năng nào đó, hãy học từ những người đã thành thạo chúng. Chỉ việc quan sát cách họ làm và bắt chước. Tìm ra những điểm nào phù hợp với bạn  và điều chỉnh theo khả năng và cách của riêng bạn." - John Caprani
5. "Điểm yếu mà bạn chưa nhận ra sẽ gây bất lợi cho bạn nhất. Có thể hình dung đây là điểm mù của bạn. Bạn phải tìm được điểm yếu ẩn khuất của mình và tìm cách khắc phục chúng. Để làm được điều này, bạn cần đánh giá khách quan nhưng sâu sắc từ những người làm việc với mình." - David Osborne
6. "Đừng bao giờ hâm nóng các món cá trong lò vi sóng ở công ty. Văn phòng là nơi công cộng, không phải của riêng bạn. Hãy thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến người khác." - Ryan Harvey
7. "Mạnh dạn hỏi sếp/cấp trên vấn đề mà anh/chị ấy lo ngại nhất là gì và cố gắng giải quyết chúng." - Victoria Backaitis
8. "Đừng quá chuyên tâm vào duy nhất một lĩnh vực - hãy học hỏi thêm những lĩnh vực khác bởi vì một người có kinh nghiệm ở nhiều lĩnh vực khác nhau thường thăng tiến nhanh hơn những người có nhiều kinh nghiệm." - Vikrant Vaidya
9. "Thái độ kiêu căng, tự phụ sẽ giết chết sự nghiệp. Ngay cả khi bạn là nhân viên xuất sắc của công ty hay bạn tốt nghiệp thạc sỹ loại ưu của trường nổi tiếng, hãy luôn duy trì thái độ làm việc tốt và nỗ lực làm việc chăm chỉ thay vì luôn tự phụ mình tài giỏi và có khả năng kiểm soát mọi thứ." - Scott Miker
10. "Cố gắng làm cho công việc của đồng nghiệp trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ bạn đang tham gia một dự án lớn với sự góp sức của nhiều người khác nhau, hãy cố gắng làm thế nào để những nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của bạn giúp cho quy trình xử lý công việc trở nên dễ dàng hơn cho người tiếp theo." - Richard Gary Butler

10 CÁCH XẢ STRESS NGAY TẠI BÀN LÀM VIỆC CỦA MÌNH


Chọn một điểm trên tường và chăm chú nhìn chằm chằm vào nó trong toàn bộ một phút. Điều này sẽ rất khó khăn đối với nhiều người. Hãy để giải phóng bản thân và trí óc thoát khỏi những căng thẳng hiện tại. Cũng giống như vẽ một bức tranh vô nghĩa ở trên, đây cũng là một cách để giải phóng tâm trí đang tắc nghẽn. Hãy dừng lại và tạm thời hoàn toàn không làm gì.

Đâu là nguyên nhân gây nhiều căng thẳng (stress) cho bạn nhất? Công việc, gia đình hay các mối quan hệ? Theo Viện nghiên cứu về căng thẳng của Mỹ, 8 trên 10 người Mỹ chịu đựng những căng thẳng liên quan đến công việc và gần ½ những người tham gia khảo sát cho rằng họ cần được trợ giúp để quản lý stress, căng thẳng. Báo cáo tương tự kết luận rằng 42% người tham gia khảo sát tin rằng đồng nghiệp của họ cần được học về cách quản lý mệt mỏi và căng thẳng.
Thực hiện một trong những gợi ý dưới đây ngay tại bàn làm việc có thể giúp bạn giảm bớt lo lắng và tập trung tinh thần trở lại để làm việc hiệu quả hơn.
1. Bóc/Lột vỏ một trái cam
Liệu pháp hương thơm từ vỏ trái cam có tác dụng kích thích các giác quan và mang cảm giác hưng phấn trở lại cho tinh thần. Hãy thử bóc/lột vỏ trái cam theo một miếng nguyên vẹn. Tạm thời thoát khỏi công việc trong ít phút và tập trung đầu óc vào một nhiệm vụ nghe đơn giản nhưng có tác dụng xả stress, thư giãn tinh thần hiệu quả.
2. Ăn một trái chuối
Luôn dự trữ một trái chuối trong ngăn bàn vì đó là vũ khí bí mật của bạn. Chuối chứa hàm lượng chất khoáng potassium giúp điều hòa huyết áp để giải tỏa căng thẳng và tăng cường năng lượng.
3. Nghe một bản nhạc nhẹ
Nhạc cổ điển có tác dụng thư giãn rất tuyệt vời. Tuy nhiên, bạn có thể lựa chọn bất kỳ thể loại nhạc mà mình yêu thích. Hòa mình vào những giai điệu hoặc ca từ của bài hát có thể giúp bạn phần nào loại bỏ những lo âu, giúp tinh thần phấn chấn hơn.
4. Mát xa cho đôi tai
Cúi đầu xuống khoảng 15 độ và nhẹ nhàng dùng cả hai tay mát xa cho đôi tai từ vành tai xuống thùy (dái) tai, ấn nhẹ một số điểm huyệt dưới vành tai.
5. Chơi trò ném banh giấy
Tận dụng những tờ giấy đã sử dụng, vo thành những quả banh giấy và ném vào sọt rác. Thử cố gắng ném 5 quả banh giấy vào sọt rác. Cảm giác thỏa mãn khi đạt được mục tiêu sẽ giúp bạn thư giãn rất nhiều.
6. Chọn một tấm hình hài hước cho màn hình chờ của máy tính 
Dành một vài giây để tìm kiếm một tấm hình thật vui nhộn và hài hước. Bạn sẽ thấy nó phát huy tác dụng tuyệt vời khi đang stress và mệt mỏi. Hoặc bạn có thể đặt một món đồ chơi hay một đồ trang trí bàn làm việc trông thật vui nhộn để chúng có thể mang lại tiếng cười cho bạn.
7. Vẽ một “tác phẩm”
Đặt bút lên một tờ giấy và vẽ một tác phẩm của riêng bạn với điều kiện là không nhấc bút lên trong 60 giây. Tác phẩm của bạn có thể vô không ra hình dạng, đó là điểm quan trọng. Tuy nhiên những hoạt động không cần sử dụng trí óc này có khả năng giải tỏa những căng thẳng trong một tinh thần đang mệt mỏi.
8. Tạm thời “ngừng” suy nghĩ
Chọn một điểm trên tường và chăm chú nhìn chằm chằm vào nó trong toàn bộ một phút. Điều này sẽ rất khó khăn đối với nhiều người. Hãy để giải phóng bản thân và trí óc thoát khỏi những căng thẳng hiện tại. Cũng giống như vẽ một bức tranh vô nghĩa ở trên, đây cũng là một cách để giải phóng tâm trí đang tắc nghẽn. Hãy dừng lại và tạm thời hoàn toàn không làm gì.
9. Vận động nhẹ
Đứng đậy, lắc nhẹ đầu qua hai bên và xoay hông sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn và đánh thức cơ thể đang mệt mỏi vì tinh thần kém minh mẫn.
10. Khiêu vũ với chiếc ghế
Hãy tạo chút không khí vui nhộn cho văn phòng bằng cách bật một bài hát mà tất cả mọi người đều biết và hát theo, đồng thời nhún mình nhảy xung quanh chiếc ghế. Mọi người có thể sẽ nhìn bạn với ánh mắt có vẻ hơi “không bình thường” một chút nhưng vui vẻ và hài hước. Chẳng ai muốn thấy một gương mặt ủ rũ, mệt mỏi.

CÁCH GIÚP QUẢN LÝ EMAIL KHÔNG BỊ QUÁ TẢI

Cách nhanh nhất để làm đầy hộp thư của bạn là gửi ra email với nội dung là một câu hỏi mở mà từ đó sẽ liên tiếp dẫn đến một cuộc trao đổi không có hồi kết và có thể diễn ra trong vài ngày.


Một hộp thư email sắp xếp không có trật tự và đầy ắp những email chưa đọc có thể là nguyên nhân khiến công việc trở nên áp lực và mệt mỏi hơn. Cảm giác lo lắng chất chồng khi mỗi buổi sáng kiểm tra email, bạn lại thấy con số những email chưa đọc tăng lên gấp đôi so với ngày hôm qua.
Làm thế nào để khi bước ra khỏi văn phòng mỗi ngày, hộp thư của bạn luôn sạch sẽ vì tất cả email đã được xử lý trong ngày? 7 gợi ý sau có thể giúp bạn.
1. Tận dụng thời gian rảnh rỗi để xử lý những email không quan trọng
Thay vì liên tục kiểm tra Facebook trong lúc đợi xếp hàng mua cà phê hay khi đang di chuyển trên xe buýt, taxi,…hãy tận dụng vài phút thời gian rảnh rỗi này để xem qua hộp thư. Bạn có thể bắt đầu bằng cách “xử lý” trước những email mà ngay từ tiêu đề có thể biết được không mất nhiều thời gian để xem và trả lời. Cách này sẽ giúp bạn dễ dàng và nhẹ nhàng hơn khi thực sự ngồi trước máy tính để trả lời email.

2. Dành một khoảng thời gian cụ thể để trả lời email
Liên tục kiểm tra hộp thư có thể khiến bạn mất tập trung xử lý công việc hiện tại vì những email mới thường mang tới những nhiệm vụ mới có thể cấp bách hơn. Kết quả là chúng ta trì hoãn những email cũ và danh sách “email chưa đọc” có thể chồng chất lên. Cách hiệu quả để không bỏ lỡ bất kỳ email là dành một thời gian cụ thể tập trung hoàn toàn vào việc “giải quyết” hộp thư của bạn.
Theo lập trình viên kiêm doanh nhân Matthew Paulson, anh thường khoảng thời gian ít năng suất nhất để kiểm tra email. Đó là dành 15 phút sau bữa trưa.
3. Quyết định nhanh bạn có cần trả lời hay không
Một cách rất đơn giản để tối thiểu thời gian xem email là bỏ qua những email không có giá trị. Zoe Fox của tạp chí Mashable gợi ý ngay lập tức di chuyển vào phần lưu trữ những email mà ngay từ tên người gửi, tiêu đề và câu mở đầu chứng tỏ bạn không nên dành thời gian để đọc chúng.
Nhà đầu tư Bill Liao gợi ý phân loại những email mới theo 3 danh mục: Trả lời ngay, Đọc và Xóa, Đánh dấu để sau. Cách này giúp ông không bỏ lỡ bất kỳ email quan trọng và tiết kiệm thời gian để trả lời những email cần nhiều thời gian để trả lời hơn.
Đừng trì hoãn nếu những email cần trả lời ngắn gọn.
4. Trả lời email ngắn gọn và súc tích.
Bạn có thể tiết kiệm thời gian hiệu quả bằng cách trả lời thẳng vào vấn đề. Không có gì sai khi trả lời một email dài bằng một vài câu nếu nó hoàn toàn thể truyền tải đầy đủ ý kiến của bạn. Điều này phụ thuộc vào kỹ năng viết email của bạn. Ngoài ra, mọi người có xu hướng trả lời nhanh những email ngắn gọn.
5. Đừng “lạc” trong những email về ưu đãi, quảng cáo
Những email thông báo khuyến mãi, ưu đãi từ các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ luôn hấp dẫn và khiến bạn dễ dàng “lạc” trong đó. Để tránh điều này, bạn nên thiết lập bộ lọc thư rác hiệu quả để tự động di chuyển những email này từ hộp thư đến của bạn. Bằng cách này, bạn vẫn có thể quay trở lại và kiểm tra chúng bất cứ lúc nào.
Một cách khác là không sử dụng email văn phòng để đăng ký thông tin tại các cửa hàng, dịch vụ nếu bạn không muốn bị quá tải với hàng tá email gửi đến mỗi ngày.
6. Cài đặt email tự động trả lời khi bạn nghỉ phép dài hạn 
Những kỳ nghỉ phép là cơ hội để bạn thư giãn, nghỉ ngơi và tiếp thêm năng lượng cho công việc. Tuy nhiên, trở về sau một kỳ nghỉ phép dài hạn bạn thường bắt đầu công việc ngay lập tức cùng với một núi của các email chưa đọc.
Một mẹo nhỏ quản lý email là hãy cài đặt email tự động trả lời cho đến ngày đầu tiên bạn quay trở lại. Như vậy, bạn có thêm một ngày để kiểm tra “núi” email chưa đọc và nhanh chóng bắt kịp tiến độ công việc hiện tại.
7. Hạn chế gửi email nếu có thể 
Cách nhanh nhất để làm đầy hộp thư của bạn là gửi ra email với nội dung là một câu hỏi mở mà từ đó sẽ liên tiếp dẫn đến một cuộc trao đổi không có hồi kết và có thể diễn ra trong vài ngày.
Thay vào đó, đừng ngại thực hiện một cuộc điện thoại, hoặc đến gặp mặt trực tiếp để trao đổi. Bằng cách này, bạn có được các thông tin cần thiết một cách kịp thời và tránh chơi trò đánh “bóng bàn” trên email.

CÁCH GIÚP BẠN RÈN LUYỆN TƯ DUY SÁNG TẠO

Rủ thêm ít nhất một người bạn/đồng nghiệp để tham gia một buổi brainstorm trong khoảng 50-60 phút. Trước đó hãy cùng hội ý để có một chủ đề hoặc vấn đề nào đó mà bạn muốn thảo luận và bắt đầu suy nghĩ để tìm ra giải pháp, để có những ý tưởng về sản phẩm mới, hãy những cải tiến mới…. Viết tất cả những ý tưởng ra giấy và khoan hãy tự phê bình chúng. Kết thúc bài tập, bạn có thể sẽ có một danh sách 100 ý tưởng điên khùng nhất nhưng chắc chắn rằng ít nhất một hoặc hai trong đó là những ý tưởng rất tuyệt vời. Quan trọng nhất, bạn càng thực hành nhiều, bạn càng thành thạo chúng. 


Nhiều người cho rằng tư duy sáng tạo chỉ cần thiết với những người đang làm việc trong lĩnh vực quảng cáo, marketing hay nghệ thuật. Thật vậy, khả năng sáng tạo có thể giúp bạn phát triển và thành công trong bất kỳ ngành nghề. Hãy hình dung một kỹ sư cơ khí nếu có khả năng sáng tạo, anh ấy có thể phát minh ra nhiều thiết bị và máy móc khác nhau. Một người bán hàng sáng tạo sẽ luôn tràn ngập ý tưởng để tiếp cận khách hàng. Hay một người giáo viên sáng tạo sẽ không bao giờ thiếu những phương pháp hay để truyền đạt kiến thức cho học sinh một cách hiệu quả nhất.
Bạn có muốn trở thành một người tư duy sáng tạo? Không phải như nhiều người vẫn nghĩ rằng sáng tạo thuộc về bản năng của con người, bạn có thể rèn luyện và phát triển khả năng tư duy sáng tạo. Theo kinh nghiệm của chuyên gia sáng tạo Jason Surfrapp (nhà sáng lập mạng xã hội kết nối những người làm việc trong ngành quảng cáo IWearYourShirt.com), 6 bài tập sau có thể giúp bạn.

1. Đọc nhiều nội dung và nhiều chủ đề khác nhau
Để cập nhật kiến thức, thông thường chúng ta chỉ nghiên cứu về những chủ đề liên quan đến công việc của mình. Thay vào đó, hãy bắt đầu tham khảo những cuốn sách mà thông thường bạn sẽ không “tiêu hóa” được. Những ý tưởng mới có thể xuất phát từ những điều tưởng chừng không liên quan. Ngoài ra, nếu có thể hãy ăn trưa với một người lạ. Trò chuyện với một người không quen biết về những điều mới lạ sẽ giúp bạn hiểu được vấn đề từ nhiều hướng khác nhau.
2. Viết 500 từ về bất kỳ chủ đề
Đây là một bài tập thú vị mà bạn có thể luyện tập khi không thể tập trung vào một vấn đề nào đó. Hãy mở một word document mới và bắt đầu đánh máy. Không cần chủ đề, không cần câu dẫn nhập, không cần chỉnh sửa và quan trọng nhất là không tự phê bình. Hãy để những ngón tay “nhảy múa” trên bàn phím máy tính và bộ não quyết định “câu chuyện” của bạn tiếp tục như thế nào. “Thường thì tôi sẽ kết thúc với một “sản phẩm” chẳng ra sao nhưng bài tập này giúp tôi có thêm năng lượng sáng tạo” – theo Jason Surfrapp.
3. Không phải ở nhà, hãy đến rạp chiếu phim
Thưởng thức bộ phim yêu thích trên màn hình lớn, âm thanh sống động và mùi bắp rang thơm lừng luôn là một trải nghiệm tuyệt vời. Không chỉ giúp thư giãn sau một ngày làm việc, xem phim có tác dụng kích thích sự sáng tạo của người xem, nhất là những bộ phim khoa học viễn tưởng. Bộ não sẽ thu nhận những tình tiết và hình ảnh từ bộ phim và những suy nghĩ và ý tưởng luôn dễ dàng đến hơn bạn mỗi khi rời khỏi rạp chiếu phim. Tuy nhiên, đừng bao giờ đi xem phim một mình mà hãy rủ thêm đồng nghiệp. Đây cũng là cơ hội tốt để tăng sự kết nối nơi công sở.
4. Trò chuyện với một người bạn không quen trên điện thoại 
Bạn sẽ ghi nhận được những kiến thức mới. Bạn rèn luyện cách nói chuyện với người lạ. Lắng nghe câu chuyện từ một người mà bạn không quen biết có thể giúp bạn nhìn nhận một điều từ các quan điểm khác nhau. Điều này giúp bạn mở rộng tư duy theo nhiều hướng mà có thể hoàn toàn trái hẳn với suy nghĩ của bạn. 
5. Ăn uống bổ dưỡng 
Có một số nghiên cứu về việc cách chúng ta ăn uống ảnh hưởng đến cách chúng ta suy nghĩ. Nếu bạn muốn suy nghĩ một cách khác biệt, hãy bắt đầu cung cấp năng lượng mới cho cơ thể. Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết con người có thể tư duy sáng tạo hơn khi hấp thụ những thức ăn bổ dưỡng hơn.
6. Luyện bài tập “hại não” 
Rủ thêm ít nhất một người bạn/đồng nghiệp để tham gia một buổi brainstorm trong khoảng 50-60 phút. Trước đó hãy cùng hội ý để có một chủ đề hoặc vấn đề nào đó mà bạn muốn thảo luận và bắt đầu suy nghĩ để tìm ra giải pháp, để có những ý tưởng về sản phẩm mới, hãy những cải tiến mới…. Viết tất cả những ý tưởng ra giấy và khoan hãy tự phê bình chúng. Kết thúc bài tập, bạn có thể sẽ có một danh sách 100 ý tưởng điên khùng nhất nhưng chắc chắn rằng ít nhất một hoặc hai trong đó là những ý tưởng rất tuyệt vời. Quan trọng nhất, bạn càng thực hành nhiều, bạn càng thành thạo chúng. 
Không cần phải là người sáng tạo để có thể tư duy khác biệt. Bạn chỉ cần thực hiện những hành động giúp kích thích khả năng sáng tạo. Ngay cả những người sáng tạo nhất cũng cần nguồn cảm hứng để khơi nguồn trí sáng tạo.

NÊN TẬP TRUNG VÀO CƠ HỘI

Mọi người hết sức bất bình trước quyết định đột ngột của giáo sư. Họ đã phải chờ đợi rất lâu, vậy mà thậm chí không có cả một cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình.
Giáo sư vật lý nổi tiếng George Gate muốn tìm một phụ tá cho mình khi nghiên cứu lĩnh vực truyền điện tín. Ông đăng báo tuyển phụ tá.
Căn phòng đợi hôm ấy chật ních. Mọi người đều chọn cho mình những bộ quần áo sang trọng nhất, nghiên cứu hàng chục sách về morse trước khi đến đây. Họ đều phải chờ ở phòng ngoài cho tới khi được vị giáo sư mời vào phỏng vấn.
Trong khi chờ đợi, họ tán gẫu và cố gắng thể hiện kiến thức của mình. Chỉ có một chàng trai trẻ ngồi yên lặng chú tâm quan sát phòng làm việc của George Gate. Anh đã theo dõi sát sao những công trình nghiên cứu trước đó của vị giáo sư này và rất muốn góp sức với ông.
Nhiều giờ trôi qua, cửa phòng thí nghiệm vẫn đóng im ỉm. Nhà đợi vẫn ồn ã những tiếng bàn cãi sôi nổi. Bỗng chàng trai vẫn ngồi im lặng khi nãy khẽ mỉm cười, bật đứng dậy bước vào phòng thí nghiệm của giáo sư. Cánh cửa không hề khóa. Thoạt đầu họ nhìn chàng trai với ánh mắt thương hại vì cho rằng anh ta không đủ kiên nhẫn chờ và định xin bỏ cuộc. Nhưng không lâu sau, tất cả mọi người đều bất ngờ khi thấy giáo sư George từ phòng thí nghiệm bước ra cùng chàng trai trẻ.
- Xin cảm ơn mọi người đã đến đây, nhưng tôi đã tìm được người trợ lý thực sự có năng lực cho mình rồi. - Vị giáo sư chỉ vào chàng trai.
Mọi người hết sức bất bình trước quyết định đột ngột của giáo sư. Họ đã phải chờ đợi rất lâu, vậy mà thậm chí không có cả một cơ hội để chứng tỏ khả năng của mình.
Giáo sư chậm rãi giải thích:
- Các bạn đã không để ý nhưng ngay từ khi mọi người bước vào đây, máy điện tín của tôi đã liên tục đánh một dòng thông báo bằng tín hiệu như thế này: “Nếu bạn giải mã được lời nhắn này, hãy bước vào gặp tôi”. Tôi biết mọi người ở đây đều rất giỏi nhưng chỉ có một cơ hội và người biết tập trung vào mục tiêu chính khi đến đây đã giành được cơ hội đó.
Và chàng phụ tá trẻ đó chính là Thomas Edison, người đã góp phần làm thay đổi thời đại của chúng ta. Cơ hội là cho tất cả mọi người. Nhưng chỉ những người có đủ tập trung và nhạy bén mới đọc được thông điệp của nó.

Câu chuyện về người làm công kì lạ

Tôi không mua cho mình bộ đồng phục, cũng không có hộp cơm trưa nhưng tôi bắt đầu đặt ra cho mình những nguyên tắc . Tôi bắt đầu tập làm việc như một doanh nhân chuẩn bị kỹ càng cho hợp đồng của mình, và rồi tôi được người quản lý đề bạt lên chức vụ cao hơn. Vài năm sau, tôi chuyển đến một công việc tốt hơn ở một công ty khác.
Tôi rúc đầu vào gối , đầu nặng trĩu tuyệt vọng. Chẳng lẽ với tôi đây là cả cuộc đời còn lại. Tôi, hai năm sau khi ra trường, đang bỏ cả ngày tháng cho một công việc hoàn toàn không thích hợp, lương thấp mà cũng chẳng có tương lai. Đã nhiều lần tôi cố không nghĩ đến câu hỏi này , nhưng cảm giác chán nản đó đã không tài nào thoát ra được.
Sáng hôm sau, tôi cố lết ra khỏi giường để đến chỗ làm. Hôm nay có một vài người mới - họ là những người làm công tạm thời, lương còn thấp hơn nhiều so với nhân viên chính thức như chúng tôi. Sau một lúc làm việc, ánh mắt tôi chú ý đến một người. Anh ta có vẻ lớn tuổi nhất trong số họ, mặc bộ đồng phục. Đó là điều đặc biệt vì công ty chúng tôi không hề có đồng phục, trên ngực túi còn may ngay ngắn cả bảng tên. Có lẽ anh ta tự mua cho mình bộ đồng phục đó.
Tôi quan sát anh trong suốt ngày hôm đó, và cả những ngày kế tiếp khi anh còn làm việc với chúng tôi. Anh không bao giờ đi trễ hay sớm, chính xác như một chiếc đồng hồ vậy. Với một công việc hết sức bình thường, anh làm việc rất cần mẫn, chuẩn xác với một sự cẩn trọng đặc biệt. Anh hòa nhã thân thiện với tất cả mọi người nhưng không bao giờ nói chuyện trong lúc làm việc.
Đến giờ cơm trưa, trong khi chúng tôi đến nhận phần ăn của mình tại quầy phân phát, anh lại lặng lẽ lôi trong túi đồ một hộp cơm cũ kỹ bằng inox, và sau mỗi bữa ăn chỗ của anh lúc nào cũng sạch sẽ. Và dĩ nhiên, lúc nào anh ta cũng trở lại công việc đúng giờ. Có thể nói anh là một người làm công mà bất cứ ông chủ nào cũng đều hài lòng. Chúng tôi đều có những suy nghĩ như vậy, anh không chỉ tốt mà thật sự đáng khâm phục.
Rồi công việc tạm thời đó cũng chấm dứt, anh rời công ty rồi đi đâu không rõ. Nhưng đối với cuộc đời tôi anh đã hoàn toàn thay đổi cách suy nghĩ của tôi .
Tôi không mua cho mình bộ đồng phục, cũng không có hộp cơm trưa nhưng tôi bắt đầu đặt ra cho mình những nguyên tắc . Tôi bắt đầu tập làm việc như một doanh nhân chuẩn bị kỹ càng cho hợp đồng của mình, và rồi tôi được người quản lý đề bạt lên chức vụ cao hơn. Vài năm sau, tôi chuyển đến một công việc tốt hơn ở một công ty khác.
Cuối cùng, tôi cũng tự đứng ra lập công ty riêng. Cho đến mãi sau này, những thành công của tôi đều đến từ sự cần mẫn và may mắn của mình, nhưng tôi vẫn luôn nghĩ điều may mắn lớn nhất của tôi là bài học tôi đã học được từ người công nhân kỳ lạ năm xưa : SỰ TÔN TRỌNG KHÔNG ĐẾN TỪ CÔNG VIỆC MÀ BẠN ĐANG LÀM , NÓ ĐẾN TỪ CÁI CÁCH MÀ BẠN ĐANG LÀM CÔNG VIỆC ĐÓ .